[Relax] Ý nghĩa câu Mã Đáo Thành Công
“Mã” là ngựa, “Đáo”, giống như chữ đáo hạn hay đến hạn, dịch theo nghĩa khác là trở về, “Thành Công” nghĩa là thắng lợi, đạt được điều mong muốn. Dịch nôm na "Mã Đáo Thành Công" nghĩa là “ngựa quay trở về là thành công”.
Nguyên do dẫn đến thành ngữ trên: Ngày xưa, người Trung Hoa ở phương Bắc sinh sống trên các bình nguyên, đồng cỏ, nơi có rất nhiều ngựa hoang. Đến mùa xuân hàng năm, người ta thường thả ngựa nuôi (đã được thuần phục) để vào các cánh đồng, bình nguyên hay các khu rừng để có thể dụ được ngựa hoang kéo đàn về lại trang trại của mình.
Một khi thả ngựa nuôi ra, có nhiều khả năng xảy ra: hoặc ngựa mình đi mất không trở về (có thể bị thú dữ ăn thịt, có thể bị người ta bắt hay có thể nhập đàn với ngựa hoang đi luôn...) hoặc quay trở về và có thể dẫn theo ngựa hoang.
Vì vậy, vào mùa thu và mùa đông, nếu ngựa quay trở về có nghĩa mình đã thắng lợi trong việc vẫn giữ được ngựa, sau đó là có thêm ngựa nữa.
Ngoài ra, có cách lý giải khác: Ngày xưa, ngựa là phương tiện đi lại thuận lợi nhất vì ngựa chạy nhanh, khỏe và rất thông minh, rất gần gũi với con người. Chính vì vậy, ngựa được dùng làm phương tiện đi lại phổ biến nhất trong buôn bán và cả đánh giặc. Mỗi lần đi xa cả năm cả tháng mới quay về, hoặc đi đánh giặc thường xuyên gặp nguy hiểm, đi mười về một. Vì thế “mã đáo” có nghĩa là may mắn quay trở về.
Ở nước ta, câu “Mã đáo thành công” được nhắc nhiều đến sự kiện năm 1789, vua Quang Trung đánh tan quân Thanh. Để báo tin thắng trận, vua cho người mang một cành đào từ Thăng Long, cưỡi ngựa qua các trạm ngày đêm chuyển cành đào về cho công chúa Ngọc Hân mừng xuân, báo tin thắng trận. Đó cũng là “Mã đáo thành công”.